Phần 2: Hoa lư – Ninh Bình xưa và nay – Dục Thuý Sơn Ghi dấu ngàn đời văn hoá dân tộc

Cập nhật: 26/11/2013

Núi Non Nước, hay Dục Thúy Sơn, là ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, như một tiền đồn ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình. Lối lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc gạch đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, thuận tiện nghỉ ngơi, giải trí cho khách tham quan.

Bên núi có chùa Non Nước và có đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu tự là Thăng Phú, hiệu là Đôn Tẩu – đời Trần. Cửa sông Vân mở ra bao bọc ba mặt núi Dục Thúy, chỉ còn một mặt nối với đất liền. Hàng ngàn năm trước chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân. Đây trở thành địa điểm tránh mưa cho tàu thuyền. Trên núi có hàng trăm bài thơ của các tao nhân mặc khách như: Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà, v.v.

Nước non Non Nước như thơ

Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn lòng

Trên thì núi, dưới thì sông

Cúc vàng còn đó, hương nồng còn đây

Núi Non Nước là ngọn núi đẹp ở thành phố Ninh Bình, từng được ví là “cửa biển có non tiên” trong thơ Nguyễn Trãi. Đứng trên núi, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh 2 cây cầu bắc qua sông Đáy và một phần trung tâm thành phố Ninh Bình.

 

Trương Hán Siêu là người có công đầu phát hiện và khai thác vẻ đẹp của núi Non Nước. Ông đặt tên núi là Dục Thúy Sơn và là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá. Đền thờ Trương Hán Siêu và chùa Non Nước được xây dựng bên chân núi. Khu vực này ngay nay là công viên Thúy Sơn của thành phố Ninh Bình.

Hòn Non Nước nằm ở vị trí rất trọng yếu, án ngữ toàn bộ ngã ba sông Đáy, sông Vân, quốc lộ 10 và nhiều đường giao thông quan trọng, nên trong thời kỳ kháng chiến, quân giặc luôn tìm cách tiếp cận vị trí này. Dọc đường lên núi vẫn còn lôcốt với vết tích của bom đạn thời chiến tranh.

Xưa núi là một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư. Đặc biệt đây là nơi chứng kiến cuộc chuyển giao chế độ quan trọng trong lịch sử đất nước: dưới chân núi, hoàng hậu nhà Đinh Dương Vân Nga đã trao áo Long Bào và chờ đợi ngày về cho tướng quân Lê Hoàn cầm quân đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, mở ra chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc.

Thuý sơn còn là một bản hùng ca về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng với Lương văn Tuỵ người thanh niên cộng sản trẻ tuổi đã hy sinh thân mình vượt qua bom đạn cắm ngọn cờ cách mạng trên đỉnh núi (1930) hay Giáp Văn Khương Anh hùng Quân đội đã anh dũng thoát khỏi vòng vây của kẻ thù trong trận đánh quân Pháp Ngày 30/5/1951.

Đến với núi Dục Thuý là đến với bảo tàng thơ Hán Nôm – một bảo tàng thi ca của tạo hoá rất sống động và phong phú giữa đất trời. Vào đời Trần, Trương Hán Siêu người con của đất Ninh Bình đã khởi tạo nên bảo tàng thơ này, khai sinh ra truyền thống khắc thơ vào núi đá. Bài thơ đầu tiên ông khắc vào vách núi có tên là Núi Dục Thuý ngợi ca vẻ đẹp của núi và khát vọng tha thiết muốn trở về với quê hương vì sự quyến rũ của phong cảnh Dục Thúy tươi đẹp:

Sắc núi còn xanh ngắt

Lâu rồi, người vẫn đi

Lòng sông in bóng tháp

Tầng thẳm cửa thôi che

Từ cách xa đời tục

Mới hay điều thị phi

Năm Hồ trời đất rộng

Bến cũ khi nào về

(Băng Thanh dịch).

Đến triều Lê, vua Thánh Tông khi ở Vĩnh Lăng (Thanh Hoá) trở ra, cũng dừng thuyền lên thăm núi Dục Thuý, cảm thán trước cảnh đẹp của thiên nhiên và những bài thơ trên vách núi, đã làm bài Đề núi Dục Thuý, cho khắc ở phía tây của ngọn núi nhô cao ở phía đông. Vua Tự Đức triều Nguyễn đến thăm núi cũng đề thơ vào vách đá. Có thể nói không một ngọn núi nào trên đất nước ta lại gắn với nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như núi Dục Thuý.

Núi Dục Thuý Thơ phú anh hoa đầy vách gấm – thơ của các tao nhân mặc khách khắc hàng nối hàng như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Văn Dị, Phạm Bá Huyền… Núi đã mài mòn nét bút của bao hào kiệt. Dục Thuý là núi thơ – một tuyển tập thơ có một không hai ở đất nước ta, chứa đựng những bài thơ có một không hai ở đất nước ta, chứa đựng những bài thơ hay trong bảy thế kỷ qua.

Núi được khắc khoảng hơn 40 bài thơ, đó là những bức thông điệp vô giá lưu truyền trường tồn cho các thế hệ mai sau, giữ hộ con người bao điều sáng chói diệu kỳ, đã tô điểm, trang trí thêm cho núi có phần cổ kính, trang nghiêm và trí tuệ hơn. Đó cũng là giá trị văn hoá thể hiện tài năng sáng tạo, kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân khắc đá xưa. Bất luận thời gian, trải qua bao độ phong sương, mưa nắng của đất trời, những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm, nét chữ to, nét chữ nhỏ, khắc trên vách núi vẫn chưa mờ. Như những tác phẩm điêu khắc tạo hình hoàn chỉnh cho cái đẹp của núi, cuốn hút du khách lòng không muốn rời, chân không muốn bước để say trong cảnh núi sông tuyệt mỹ.
Từ đỉnh núi thấy mây trời tuyệt đẹp và cõi lòng lắng xuống để thả bay trong gió những lo toan của đời thường.
Đến với Thuý sơn là đến với minh chứng ngàn đời của lịch sử, văn hoá dân tộc. Những tinh hoa của văn hoá ViệtNam còn được lưu giữ tại đây có giá trị vô cùng to lớn về giáo dục lịch sử. Tin tưởng rằng du khách bốn phương sẽ cảm thấy hữu ích và niềm vui, niềm tự hào dân tộc khi ghé thăm di tích lịch sử Dục Thuý Sơn

 

VHN sưu tầm và biên soạn