Thành phố Ninh Bình phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển và xây dựng làng nghề mộc truyền thống gắn với bảo vệ môi trường bền vững, bên cạnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đào tạo nghề, thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề, góp phần thúc đẩy lộ trình hướng tới xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2014.
Sau mỗi buổi lao động sản xuất, anh Phạm Văn Thêm, chủ doanh nghiệp tư nhân Phạm Văn Thêm ở phố Phúc Lộc, phường Ninh Phong và những người lao động tại xưởng lại dành thời gian thu dọn, quét gọn những phế phẩm như mùn cưa, vỏ bào và kiểm tra, bảo dưỡng lại các loại máy móc để đảm bảo phục vụ an toàn cho sản xuất.
Anh Phạm Văn Thêm cho biết: Là doanh nghiệp tư nhân, lại sản xuất tại gia đình, nơi làm nghề và nơi sinh hoạt phục vụ cuộc sống gần như liền kề nên việc bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Thực ra, không mất quá nhiều thời gian, công sức, nhưng việc thu gom, quét dọn, vệ sinh môi trường khu vực sản xuất sẽ đem lại lợi ích lớn cho mọi người, không chỉ môi trường sản xuất được đảm bảo, người trực tiếp làm việc được bảo vệ sức khỏe mà còn không ảnh hưởng nhiều đến mọi người xung quanh. Đồng thời, việc thường xuyên bảo dưỡng máy móc đã phát huy được hiệu suất lao động và giảm tiếng ồn do máy móc cũ gây ra. Đây được xem là quy định bắt buộc mà doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất. Nhờ đó, từ quy mô sản xuất theo hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, vừa qua, anh Thêm đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động với mức thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng.. .
Được đánh giá là nơi còn lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống, làng nghề mộc Phúc Lộc được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn những sản phẩm từ thông dụng phục vụ gia đình đến những mặt hàng đòi hỏi sự tinh tế, chạm trổ khéo léo. Nghệ nhân Phạm Văn Đông cho biết: Nghề mộc đối với gia đình ông là nghề truyền thống, từ thời cha ông đã làm nghề này. Với ông, hơn 70 năm làm nghề mộc, hiện gần 90 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn không cần đeo kính, cần mẫn dùng tràng, tách, đục các loại hình tròn, hình vuông… chạm trổ thủ công các loại hoành phi, câu đối… cho khách hàng. Vừa làm vừa nghỉ ngơi, mỗi tháng ông cũng có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Là nghệ nhân của làng nghề, ông Phạm Văn Đông cho biết, tôi luôn có ý thức trong việc truyền nghề cho lớp con cháu của dòng họ, trong làng nghề. Đã có hàng trăm thanh niên được tôi truyền dạy nghề mộc, hiện thành thạo nghề, tự mở các tổ hợp sản xuất, thành lập các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh đồ gỗ lớn trong và ngoài phường, đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và xã hội.
Hiện nay, làng nghề mộc Phúc Lộc sản xuất những mặt hàng thông dụng trong đời sống như giường, tủ, bàn, ghế, cửa, chấn song, cầu thang, tay vịn và nhiều sản phẩm trang trí nội thất… có chất lượng cao và mẫu mã đẹp. ở làng nghề này có không ít những người thợ tài hoa với đôi bàn tay khéo léo và khối óc tài nghệ đã và đang chế tác ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, những tác phẩm điêu khắc được chạm trổ kỳ công, tinh tế. Những sản phẩm này được kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế đã và đang được in dấu, trưng bầy ở những nơi trang trọng bậc nhất như nhà thờ, đình chùa, miếu mạo…
Trong điều kiện kinh tế suy thoái như hiện nay, để duy trì hoạt động và đem lại hiệu quả kinh tế cao, làng nghề mộc truyền thống Phúc Lộc đang dần được chuyển đổi và mang tính chuyên môn cao. Công cụ làm mộc được các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tư nhân chủ động đầu tư theo hướng cơ khí hóa, điện khí hóa. Các khâu làm mộc chủ yếu như: khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn, ép… đã được thay thế, đầu tư bằng máy móc vừa để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, vừa giải phóng sức lao động cho người thợ. Đồng thời, mỗi cơ sở sản xuất, mỗi doanh nghiệp đã chủ động tập trung về một mặt hàng thế mạnh của mình để từ đó sản xuất ra những sản phẩm mộc ngày càng tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao, tạo uy tín đối với khách hàng. Đây cũng là một trong những lý do giúp cho sản phẩm mộc của Phúc Lộc được duy trì, đứng vững và có thị trường tiêu thụ riêng.
Ông Phạm Hữu Lưu, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Ninh Phong cho biết: Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Ninh Bình có làng nghề mộc Phúc Lộc (phường Ninh Phong), là làng nghề TTCN duy nhất trên địa bàn thành phố. Phúc Lộc hiện có trên 600 hộ gia đình với tổng số trên 3.000 nhân khẩu, trong đó có trên 30% số hộ với trên 700 người theo nghề mộc truyền thống. Để phát huy thế mạnh của làng nghề, từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống, năm 2008, thành phố Ninh Bình đã đầu tư xây dựng khu TTCN và làng nghề với diện tích hàng chục ha.
Được UBND thành phố Ninh Bình tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đường sá, hệ thống điện… phường Ninh Phong đã và đang khuyến khích những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngành nghề mộc khẩn trương di dời đến sản xuất tại khu làng nghề tập trung. Đến nay đã có 10 doanh nghiệp tư nhân và 63 hộ cá thể với gần 700 lao động đăng ký và tham gia sản xuất tại đây. Khu làng nghề tập trung được phân bố xa khu dân cư, được đầu tư sản xuất trong điều kiện thuận lợi về đường giao thông, đường điện, có hệ thống xử lý chất thải, vị trí địa lý lại sát với đường Quốc lộ 1 nên ngày càng được nhiều khách hàng biết đến.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư quy mô nhà xưởng lớn với máy móc hiện đại, chiêu tập thợ lành nghề từ nhiều nơi để gia công và sản xuất các sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao như sập gụ, tủ thờ, nhà cổ, những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ có giá bán hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Doanh thu từ làng nghề tăng trưởng dần qua các năm, chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất của toàn phường. Việc gìn giữ và phát triển nghề mộc đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong phường, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm gần 70%…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số hộ dân, do còn khó khăn về kinh tế, sản xuất nhỏ lẻ nên vẫn đang tiếp tục sản xuất tại khu sản xuất cũ, xen lẫn trong các khu dân cư. Để giảm thiểu tiến tới ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường, hiện nay thành phố Ninh Bình và chính quyền phường Ninh Phong tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân từng bước di dời vào khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã được quy hoạch.
Bên cạnh đó, thành phố Ninh Bình cũng có kế hoạch bổ sung nguồn kinh phí, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ xử lý chất thải phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất, giúp người dân làng nghề giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Có như vậy, làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của chính những người dân trong khu vực được bảo đảm, góp phần đưa thành phố trở thành đô thị loại II theo lộ trình đề ra.
Bài, ảnh: Huy Hoàng