Phim chiến tranh Việt Nam- khốc liệt ở đâu?

Cập nhật: 07/12/2013

Vì lý do không có tiền, không thể làm được phim chiến tranh, từ nhiều năm trước nhà nước đã mạnh tay đầu tư 13 tỷ đồng cho một bộ phim kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim được quân đội hỗ trợ xe tăng, đạn dược, súng ống… nhưng vẫn bị chê “quá giả”!
Bắt đầu với câu chuyện làm khói lửa, bối cảnh trong phim chiến tranh, nói như đạo diễn Bùi Tuấn Dũng “Thực sự, tôi chưa thích bất kỳ một cảnh khói lửa nào trong các bộ phim của Việt Nam, kể cả phim của tôi làm”, để thấy, khán giả sẽ vẫn phải chờ đợi rất lâu nữa nếu một xem một bộ phim chiến tranh Việt Nam có tầm vóc chân thực, hùng tráng.

Cảnh phim còn mang nặng tính dàn dựng
Cảnh phim còn mang nặng tính dàn dựng

Trước đây, người ta thường lấy lý do thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất để trần tình về việc sản xuất phim chiến tranh là “cực khó”, “cực tốn kém”. Bởi thế, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà nước chi mạnh tay đến 13 tỷ đồng (cái thời tiền tỷ còn là con số xa xỉ) để có một phim chiến tranh “ra tấm, ra món”. Tuy nhiên, khi phim ra rạp, một cuộc khẩu chiến dữ dội đã diễn ra giữa truyền thông và đạo diễn phim khi truyền thông bày tỏ sự thất vọng ghê gớm trước bộ phim chiến tranh tiền tỷ nhưng cảnh súng đạn nào cũng giả, và bộ đội đánh Pháp ngày đêm gian khổ nhưng quần áo vẫn mới tinh!

Một năm trước, bộ phim Mùi cỏ cháy được vinh danh tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng của hội Điện ảnh. Phim xoay quanh câu chuyện về 81 ngày đêm khốc liệt ở thành cổ Quảng Trị. Phim nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía quân đội. Chỉ cần nghe kể Mùi cỏ cháy làm về cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, Bộ Tư lệnh Pháo binh, Binh chủng Công binh, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, Trường sỹ quan Lục quân I… đã “ra tay” hỗ trợ đoàn làm phim nhiệt tình cả về vật chất, vật lực. Những cảnh bắn súng, tạo cảnh nổ trên sông Thạch Hãn… đoàn làm phim đều nhận được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Thế nhưng, khi công chiếu, Mùi cỏ cháy vẫn bị chê “giả” với những phân cảnh nổ nhỏ lẻ, những xác người bằng cao-su trôi trên sông, hay những cảnh chiến trận đầy vẻ dàn dựng…

Cảnh phim còn mang nặng tính dàn dựng

Cảnh phim còn mang nặng tính dàn dựng

Những cảnh diễn chưa gây xúc động tận tâm can người xem- đây lại là điều tối cần thiết với một phim chiến tranh
Khi nhắc đến Mùi cỏ cháy, đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần từng đưa quan điểm “So sánh rất khập khiễng, nhưng quả thật tôi xem phim Mỹ như Giải cứu binh nhì Ryan, cảnh khói lửa chiến trận không nhiều, họ cũng không có ý định “tô vẽ” cuộc chiến của mình bằng súng đạn, bom mìn, sự khốc liệt của chiến tranh đôi khi chỉ nằm trong một câu chuyện, một người lính”.Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm đắc trước câu chuyện về binh nhì Ryan. Vì 2 người anh của Ryan đã hy sinh, một trung đội được cử vào chiến trường tìm bằng được binh nhì Ryan đưa cậu ấy về nhà để… giữ nòi giống cho gia đình họ. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, phim chiến tranh Việt Nam đang mải mê đi tìm sự hùng tráng, khốc liệt bằng hình ảnh, trong khi, sự khốc liệt, kinh khủng nhất của một cuộc chiến phải nằm trong câu chuyện, trong từng số phận con người. Đôi khi, chỉ cần câu chuyện của hai người lính cũng làm toát lên sự bi hùng của một cuộc chiến. Cách chọn một điểm nhấn, một câu chuyện, một nhân vật để làm nổi bật hình ảnh cuộc chiến vốn không dễ dàng với các đạo diễn Việt. Hầu hết các bộ phim đều bị chê nhạt, chê giả và bị chê dàn trải, là vì thế.
Khán giả vẫn chờ đợi một bộ phim chiến tranh đúng tầm vóc, đủ bi hùng và đầy cảm xúc từ những nhà làm điện ảnh Việt.
Cảnh phim còn mang nặng tính dàn dựng
Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại. Bùi Tuấn Dũng cho biết “Đây không phải là bộ phim “cúng cụ” như những phim chiến tranh khác”

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng vừa hoàn tất bộ phim Những người viết huyền thoại. Bộ phim đã tiết lộ nhiều cảnh khói lửa trên facebook. Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ, “Những người viết huyền thoại đề cập tới phía con người, thứ mà trong chiến tranh thế giới gọi là huyền thoại”. Hy vọng, Bùi Tuấn Dũng và bộ phim của anh sẽ tìm lấy lối đi riêng, để có một bộ phim chiến tranh khác biệt, bộ phim đi tìm sự khốc liệt không chỉ ở khói lửa, đạn bom, mà sự khốc liệt nằm ở trong chính con người- trong từng số phận giữa cuộc chiến.

Hào Hoa

Tác giả